Duy trì mạng con gái sống đời thực vật đến khánh kiệt
Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Con gái 19 tuổi bị tai nạn giao thông đến chấn thương sọ não, gia đình vốn nghèo vì duy trì mạng nhỏ của cô đang sống đời thực vật đến khánh kiệt tài sản.
Như người ta vẫn hay nói "đã nghèo còn mắc cái eo", gia đình bà Huệ quả là quá xui rủi khi đứa con gái mới 19 tuổi đã gặp tai nạn giao thông chấn thương sọ não, dù cố sức chữa trị nhưng vẫn phải sống đời thực vật, di chứng làm cho cơ thể cô con gái mỗi lúc một suy yếu, ốm teo đi thấy rõ. Gia cảnh nghèo khó, để cứu chữa và duy trì mạng sống cho con mà cả nhà bà Huệ phải lao đao vay mượn khắp nơi trong vô vọng, láng giềng thương tình nhưng cùng cảnh khó khăn như nhau nên...thật bế tắc.Cảnh tình đen tối này là của ai, có thể đọc qua bài Người mẹ nghèo nuôi con sống đời thực vật trên VnExpress để biết rõ hơn về một thế giới u ám khác như sau:
Suốt 4 tháng qua, bà Huệ gắng quên đi nỗi đau để túc trực ngày đêm bên giường bệnh, lo lắng cho cô con gái 19 tuổi bị tai nạn.
Văn Thị Hải Ngọc điều trị ở khoa Ngoại thần kinh rồi chuyển sang khoa Y học Nhiệt đới của Bệnh viện Đà Nẵng, nhiều tháng qua sức khỏe của cô gái 19 tuổi vẫn không có tiến triển.
Ngọc quê thôn Nam Giã, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Học hết lớp 12, Ngọc vào Đà Nẵng kiếm việc làm thêm, mong tích góp được chút tiền phụ giúp cha mẹ nghèo khó. Cô gái hiền lành, chăm chỉ được nhận vào làm tại công ty nhựa ngay ngày đầu đi xin việc. Chưa kịp vui, sáng 26/8, Ngọc bị tai nạn giao thông trên đường đi làm, chấn thương sọ não, hôn mê, phải sống trong vô thức. Sau một thời gian điều trị, cô gái bị di chứng viêm màng não mủ. Bệnh viện trở thành nhà của Ngọc và người mẹ Hoàng Thị Huệ (47 tuổi).
Bà Huệ luôn túc trực bên giường bệnh chăm con và luôn mong mỏi một phép màu xảy ra để nhìn thấy con bình phục. Ảnh: Nguyễn Dương.
Dáng người gầy, xanh xao và đôi mắt thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ, bà Huệ cho biết đành bỏ hoang ruộng đồng, nhà cửa ở quê để chăm con trong viện. Bà không thể rời con vì gia đình, họ hàng neo người. Mỗi ngày, người mẹ đều đặn thực hiện việc xoa bóp, lau người, vệ sinh cho con.
Bà hay phải thức dậy giữa chừng vì tiếng con la hét thất thanh. Trong đêm lạnh, bà ngồi kề bên ân cần thủ thỉ, động viên con. "Nhìn con nằm bất động, đôi mắt mở to nhưng vô hồn, không nhận thức, tôi đau lắm", bà Huệ tâm sự.
Thời gian này, bệnh tình của Ngọc diễn biến xấu, các bác sĩ giảm bình dinh dưỡng từ 500 g xuống còn 250 g, truyền vào người cứ trào ra ngoài. Nhìn con ngày một teo lại, người mẹ như đứt từng khúc ruột. Bà Huệ bảo, số tiền vay mượn để chữa bệnh cho con đến nay đã gần đến 70 triệu đồng. "Nợ nần không biết rồi có trả được không, nhưng tôi chỉ muốn làm tất cả để hy vọng một phép màu sẽ đến với đứa con gái tội nghiệp", người mẹ nói trong nước mắt.
Ông Văn Thệ, chồng bà Huệ, làm công nhân tại công trình ở Đà Nẵng. Cứ hết ca làm, ông lại lên bệnh viện cùng vợ túc trực chăm con. Đứa con đầu học năm thứ tư ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhiều lần đòi nghỉ học để đi làm có tiền điều trị cho em. Mỗi lần nghe con nói vậy, bà Huệ đều khuyên con cứ cố gắng vừa làm thêm, vừa học để lấy được tấm bằng. Một gia đình hàng xóm ở quê lo việc ăn học cho đứa con trai út của bà Huệ (học lớp 12) nên người mẹ yên tâm được phần nào.
Theo bác sĩ Trần Quang Long, Khoa Y học nhiệt đới, Ngọc bị chấn thương sọ não dẫn đến đa di chứng như viêm màng não mủ, phù não khiến cơ thể bội nhiễm, suy kiệt. Chi phí điều trị lâu dài cho em rất tốn kém.
Ông Hồ Viết Hồng, Trưởng thôn Nam Giã, cho biết gia đình bà Huệ thuộc diện hộ nghèo nhưng vẫn cố gắng nuôi con ăn học. "Nay cháu Ngọc không may bị tai nạn nên gia đình bà đã khánh kiệt. Bà con lối xóm thương tình nhưng đa phần nhà ai cũng khó khăn nên không thể giúp được nhiều", ông Hồng nói.
Nói thật là sau khi đọc bài báo ở trên của VnExpress, tôi thật chỉ thấy trước mắt tối đen bởi trong câu chuyện không thấy tương lai nào khởi sắc có thể hy vọng, việc điều trị đã gần như bế tắc khi di chứng mỗi lúc một tệ, cơ thể ngày thêm suy nhược, có cảm giác như cô gái tên Ngọc xấu số kia đang trượt dài trên con đường đến với cái chết, thật bế tắc và bi ai biết máy.
Tuệ Đồng
Bài liên quan