Home
» Kinh tế
» Thái Lan
» Việt Nam
» Thị trường đồ uống Việt Nam hấp dẫn giới kinh doanh nước ngoài
Thị trường đồ uống Việt Nam hấp dẫn giới kinh doanh nước ngoài
Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Theo tình hình cho thấy trong vài năm gần đây thị trường đồ uống Việt Nam đang hấp dẫn giới kinh doanh nước ngoài khi nhiều đại gia ngoại tỏ ý chiếm hữu lượng lớn cổ phần của vài công ty nước giải khát.
Cụ thể là các công ty bia có thương hiệu lâu năm tại Việt Nam như Sài Gòn, 333,...đang chiếm lĩnh một phần thị trường đồ uống đáng kể, thậm chí phải gọi là rất lớn. Mới đây một đại gia kinh doanh người Thái Lan đã xúc tiến rất mạnh hoạt động mua lại nhiều cổ phần các công ty kể trên của nước ta. Theo như vài người trong ngành này nói thì vị đại gia người Thái kia có thể đưa được thương hiệu bia Việt ra quốc tế và cũng dùng chúng làm bàn đạp đưa các sản phẩm nước giải khát cao cấp của họ vào thị trường nước ta.Cụ thể hơn thì trong bài Đại gia Thái Lan thèm khát thị trường đồ uống Việt Nam của VnExpress đăng tải có nội dung như sau:
Những thương hiệu lớn trong ngành đồ uống của Việt Nam đang là mục tiêu mà các nhà đầu tư ngoại muốn chiếm hữu.
Theo Tổ chức Business Monitor International (BMI), nhóm đồ uống và thực phẩm của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm 9,43%, trong đó doanh thu đồ uống có gas tăng 6,9%. Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhận định triển vọng của ngành này rất sáng sủa do đồ uống là mặt hàng không thể thiếu trong tiêu dùng hằng ngày. Dự báo doanh số vào năm 2016 sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số.
Đây là lý do khiến nhiều đại gia ngoại theo nhau để mắt tới các công ty đồ uống Việt Nam. Gần đây nhất, ThaiBev - công ty của tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan tiết lộ ý định sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trước đó họ đã có buổi gặp với Chính phủ Việt Nam và đề xuất mong muốn mua cổ phần Sabeco. ThaiBev định giá Sabeco ở mức 2 tỷ USD.
Công ty của tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan đang mong muốn sở hữu bia Sài Gòn. Ảnh: WS
Sabeco đang có kế hoạch thành lập hội đồng tái cấu trúc công ty và bán tối đa 53% cổ phần cho một hoặc vài nhà đầu tư chiến lược. Chính phủ hiện sở hữu 89% công ty này. Trao đổi với VnExpress, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho biết đã nhận được xuất này nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc về Bộ Công Thương.
“ThaiBev định giá Sabeco 2 tỷ USD chưa sát với thực tế. Giá trị của công ty cao hơn thế", ông Tuất khẳng định.
Theo hãng nghiên cứu Euromonitor, Sabeco hiện chiếm lĩnh 46% thị trường bia Việt Nam với nhiều thương hiệu như 333 hay Bia Sài Sòn. Báo cáo tài chính 6 tháng của Sabeco cho thấy, hãng đã bán được 649,8 triệu lít bia trong nửa đầu năm, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu nửa đầu năm tăng 6% so với năm ngoái lên 14.300 tỷ đồng (680 triệu USD).
Năm 2014, Tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu 29.322 tỷ đồng, tăng 3%, còn lãi trước thuế 3.672 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khá nhiều tên tuổi đình đám một thời trên thị trường bia Việt Nam cũng đã thuộc sở hữu của nhà đầu tư ngoại. Cuối năm 2011, hãng bia Carlsberg (Đan Mạch) mua toàn bộ Huda Beer (bia Huế). Carlsberg cũng đang sở hữu 55% nhà máy bia tại Bà Rịa-Vũng Tàu có công suất 50 triệu lít một năm. Trong liên doanh Nhà máy bia Đông Nam Á (Halida) với Công ty bia Việt Hà, Carlsberg sở hữu 60% và thêm 30% trong liên doanh với Công ty bia Hạ Long. Với Habeco, Carlsberg đang sở hữu 17,23% vốn điều lệ nhưng đang đề xuất tăng phần vốn nắm giữ lên 30%...
"Chính những tỷ lệ sở hữu này cũng gây áp lực lớn cho Bia Sài Gòn khiến 2 năm gần đây thị phần của Sabeco sụt giảm từ 46% xuống 44% trong 2013", một chuyên gia chứng khoán ở TP HCM phân tích.
Không chỉ nhắm tới Sabeco, tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan còn muốn sở hữu số lượng lớn cổ phần tại công ty sữa hàng đầu của Việt Nam là Vinamilk. Công ty F&N Dairy Investments Pte Ltd của đại gia này đã hoàn tất thương vụ mua 15 triệu cổ phiếu VNM hôm 21/8. Tính thêm số cổ phiếu thưởng chốt ngày 13/8, đơn vị này hiện sở hữu 110,4 triệu cổ phiếu VNM, tương đương 11,04% vốn điều lệ. Tính chung 6 phiên giao dịch vừa qua, giá bình quân mỗi cổ phiếu VNM đạt 113.000 đồng. Sau thương vụ nói trên, công ty đã trở thành cổ đông lớn thứ hai của Vinamilk sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Ông Trần Bảo Minh, chuyên gia marketing ngành hàng tiêu dùng cho rằng, tại Việt Nam, Sabeco và Vinamilk đều là 2 công ty đứng đầu nhóm ngành của họ, cho nên việc các nhà đầu tư ngoại nhắm vào những đối tượng này là cơ hội giúp tiếp cận thị trường Việt nhanh nhất.
Tuy nhiên, chỉ khi tỷ lệ sở hữu trên 50% họ mới có thể bắt đầu chi phối và thực hiện triển khai các quyết định lớn. Vì vậy, khi nhắm tới Sabeco họ cũng muốn có trong tay lượng lớn cổ phần chứ không chỉ vài phần trăm. Còn riêng Vinamilk, trong tương lai tỷ lệ sở hữu của đại gia này tại đây có thể sẽ được nâng lên.
"ThaiBev là tập đoàn sử dụng nhiều chuyên gia cao cấp của các tổ chức đa quốc gia nên họ quốc tế hóa thương hiệu rất nhanh. Nếu Bia Sài Gòn dưới sự điều hành của ông chủ này, nhãn hiệu bia của Việt Nam có thể vươn ra thế giới nhanh hơn. Ngược lại, đại gia Thái Lan sẽ có thêm bàn đỡ để từng bước đưa sản phẩm ở phân khúc cao cấp của họ tới người tiêu dùng Việt, cái mà doanh nghiệp trong nước chưa đạt được", ông Minh nói thêm.
Chuyên gia marketing kỳ cựu này nhận định, thị trường đồ uống Việt Nam không chỉ cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, mà còn thanh lọc đào thải nhanh chóng nếu các thương hiệu Việt không tự làm mới, tạo uy tín và củng cố chất lượng.
Quả thật thì các thương hiệu bia của Việt Nam tuy có chỗ đứng vững chắc ở trong nước nhưng chẳng có vẻ gì là sẽ tiến xa hơn, trong khi nhiều thương hiệu bia của nước ngoài đang liên tục xâm nhập thị trường Việt, sự bứt phá đáng kể dành cho nhà kinh doanh mặt hàng này trong nước không được cao, chưa rõ nếu các đại gia nước ngoài mua được những công ty đồ uống lớn trong nước ta thì tình hình sau đó sẽ thế nào, còn quá sớm để nói.
Tuệ Đồng
Bài liên quan