Tới vợ bầu Kiên cũng bị đề nghị điều tra trốn thuế
Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Sau khi tuyên án bầu Kiên thì TAND Hà Nội cũng đề nghị điều tra tới cả vợ bầu Kiên vì cho rằng bà này giúp chồng trống thuế.
Qua bao nhiều lâu điều tra và xử án, tốn khối thời gian và tiền bạc trong vụ bầu Kiên thì nay tưởng như án tình đã có cái kết cuối với lời tuyên án phạt tù và bắt bị cáo Kiên bồi thường một số tiền cực lớn thì dường như mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt. Bà Đặng Ngọc Lan là vợ bầu Kiên cũng có tham gia kinh doanh cùng chồng nên phía TAND Hà Nội cho rằng bà này cũng có liên quan và kiến nghị điều tra luôn.
Vợ bầu Kiên là bà Đặng Ngọc Lan
Trên trang VnExpress hôm nay đã có bài viết khá dài về việc này cũng như vắn tắt lại các tình tiết mới nhất của vụ bầu Kiên, blog tin tức Lưu Trợ xin được trích dẫn lại nội dung đó như sau:
TAND Hà Nội cho rằng bà Đặng Ngọc Lan (vợ ông Nguyễn Đức Kiên) giúp sức tích cực cho chồng trốn thuế hơn 25 tỷ đồng nên kiến nghị điều tra.
Trong bản án tuyên ngày 9/6, TAND Hà Nội kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi của bà Lan và Nguyễn Thúy Hương (em gái bị cáo Nguyễn Đức Kiên) trong việc giúp sức tích cực cho ông Kiên trốn thuế 25 tỷ đồng. “Nếu phát hiện những người này này vi phạm thì phải xử lý theo quy định pháp luật”, bản án kiến nghị.
Trong phiên xử kéo dài nửa tháng (20/5-9/6), hai người phụ nữ này đều có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo buộc, bằng việc được chồng ủy quyền, bà Lan với tư cách tổng giám đốc B&B ký hợp đồng ủy thác đầu tư với Ngân hàng ACB kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Biết được về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, ông Kiên đã để bà Lan ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Hương. Bà Hương lại ủy thác cho chính B&B đầu tư kinh doanh vàng ghi sổ. Ông Kiên sau đó chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh vàng của B&B cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế.
Trước đó trong một số lần bị thẩm vấn, bà Lan cho rằng, năm 2009, công ty B&B bị thua lỗ 268 tỷ đồng. Nếu nhà chức trách có kết luận việc công ty không nộp thuế thì cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn để bà làm các thủ tục, chứ bà không trốn. Ngược với nội dung trình bày của vợ ông Kiên, đại diện B&B tại tòa lại cho hay năm đó doanh nghiệp này "hoạt động có lãi". Tổng cục thuế cũng khẳng định "có lãi" và theo luật thì phải nộp thuế. Cũng căn cứ tài liệu B&B cung cấp trong đợt thanh tra năm 2009, Cục Thuế Hà Nội xác định công ty này không lỗ.
Bị truy hỏi về những mâu thuẫn này, trước tòa, bà Lan cho hay không tham gia điều hành ở Công ty B&B, mọi việc do ông Kiên thực hiện, bà không biết gì về hoạt động của công ty. Tin chồng không làm gì sai nên khi ông đưa giấy tờ gì bà đều ký, việc này thực hiện ở nhà vì lúc đó bà đang nghỉ sinh con.
Bà Nguyễn Thúy Hương cũng cho hay khi được anh trai gợi ý đầu tư đã đồng ý. “Về hoạt động ủy thác, tôi không có năng lực nên ủy thác cho B&B đầu tư hộ”, bà Hương trình bày. Lời khai của bà Hương cho thấy với việc hợp tác cùng anh trai, bà không phải ký quỹ, kinh doanh có lãi thì hưởng 99%, trả 1% phí ủy thác; nếu lỗ thì phải chịu 100%.
Bà cho hay, khi nhận 68 tỷ đồng do B&B chuyển tiền lãi cho, bà đã chuyển vào tài khoản cá nhân ông Kiên. Bà giải thích đây là cho anh trai vay, không có hợp đồng.
Nguyễn Đức Kiên cũng thừa nhận, khi ký hợp đồng ủy thác thì vợ mới sinh, còn em gái mới chuyển từ nghề giáo viên sang kinh doanh nên ông là người điều hành. “Tôi đồng ý cho em gái kinh doanh giá vàng và nhận lời giúp em kinh doanh. Vợ tôi không làm gì chỉ ký giấy tờ cần thiết”, cựu phó chủ tịch HĐQT ACB trình bày.
Đánh giá việc làm của 3 người này, VKS cho rằng B&B không có phép kinh doanh uỷ thác đầu tư và kinh doanh vàng. Bà Hương không được uỷ thác ký kinh doanh vàng nước ngoài, cũng không đăng ký kinh doanh vàng theo quy định nhà nước. Bà Hương là người ký hợp đồng uỷ thác với công ty B&B, đặt cọc tiền để kinh doanh song trên thực tế không thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Viện dẫn Nghị quyết 32 về việc toàn bộ thu nhập cá nhân không phải nộp thuế, VKS cho biết Công ty B&B đã vi phạm pháp luật khi chuyển tiền cho bà Hương và không kê khai để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Sau khi nhận tiền, bà Hương lại chuyển cho anh trai - thực chất là hành vi trốn thuế.
Không chỉ bị xác định trốn thuế bằng thủ đoạn tinh vi, lắt léo, trong phần tuyên án hôm qua, đánh giá về hành vi cố ý làm trái của ông Kiên, HĐXX cho rằng ông Kiên đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật nói chung, pháp luật về ngân hàng nói riêng để cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra dòng tiền ảo, chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác làm tăng trưởng tín dụng ảo, lợi nhuận ảo và tăng trưởng giá trị cổ phiếu ảo... Sự cạnh tranh không lành mạnh và không dựa trên quy luật thị trường bị bóp méo nhằm tạo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Hành vi ông Kiên và 5 đồng phạm là cựu lãnh đạo cao cấp Ngân hàng ACB bị xác định đã gây lũng đoạn thị trường tài chính tiền tệ trong nước, ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính quản lý. Nếu không có sự can thiệp kịp thời thì đã xảy ra hậu quả xấu.
Theo bản án cùa TAND Hà Nội, từ ngày 15/5/2007 đến 3/8/2008, ông Kiên thông qua 6 công ty do mình làm chủ tịch HĐQT hoặc chủ tịch hội đồng thành viên để tổ chức hoạt động kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng trái quy định với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.
Qua B&B, ông trốn thuế hơn 25 tỷ đồng, qua Công ty ACBI ông bị cáo buộc lừa chiếm đoạt 246 tỷ đồng trong thương vụ bán 20 triệu cổ phần của Công ty thép Hoà Phát (đã thế chấp tại ngân hàng) cho Công ty TNHH Một thành viên thép Hoà Phát.
Ông Kiên còn cùng cựu tổng giám đốc Lý Xuân Hải, 3 cựu phó chủ tịch HĐQT ACB là Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, cựu phó tổng giám đốc Huỳnh Quang Tuấn thống nhất uỷ thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Trong số này có 718 tỷ đồng vào Vietinbank và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank TP HCM) chiếm đoạt.
Ngoài ra, với hành vi thống nhất, ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, những người này còn bị buộc tội đã ra chủ trương đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB trái quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
TAND Hà Nội tuyên phạt ông Kiên 20 tháng tù về tội Kinh doanh trái phép, 6 năm 6 tháng về tội Trốn thuế, 20 năm về tội Lừa đảo, 18 năm do Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là 30 năm; nộp phạt bổ sung 75 tỷ do trốn thuế và 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo.
Đồng tội danh Cố ý làm trái, cựu tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải lĩnh 8 năm tù; bị cáo Lê Vũ Kỳ án 5 năm, Trịnh Kim Quang lĩnh 4 năm, Phạm Trung Cang 3 năm tù, Huỳnh Quang Tuấn chịu hình phạt 2 năm.
Bị cáo Trần Ngọc Thanh (giám đốc ACBI) lĩnh 5 năm 6 tháng tù về tội Lừa đảo, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán ACBI) nhận 5 năm.
Đặc biệt, sau phần tuyên án, TAND Hà Nội tuyên bố khởi tố vụ án "kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và Vietbank" và khởi tố vụ án "đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với Huỳnh Thị Huyền Như của Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ Ngân hàng ACB).
Nếu được hỏi có lẽ không ít người cũng có thể suy ra được bầu Kiên chỉ là nhân vật chính và hiển nhiên bên cạnh còn có hàng tá trợ thủ lẫn người liên đới trong vụ án tài chính ầm ĩ này, xử xong vai chính thì chém tới vai phụ, dùng từ dân dã cho nhẹ tâm lý chút, nhưng cũng nhìn ra được rằng để rốt ráo xong xuôi những gì liên quan đến "án tình bầu Kiên" thì sẽ còn kéo dài rất lâu nữa.
Tuệ Đồng
Bài liên quan